Nhận xét thái độ xử trí rau cài răng lược (RCRL) ở thai phụ bị rau tiền đạo (RTĐ) có sẹo mổ đẻ cũ (SMĐC) tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong 2 năm 2008 - 2009 và các tai biến thường gặp. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu từ 110 trường hợp rau tiền đạo (RTĐ) có hồ sơ với tuổi thai từ 28 tuần trở lên, có sẹo mổ đẻ cũ, được chẩn đoán là RTĐ qua lâm sàng và siêu âm, đã được đẻ tại BVPSTƯ trong thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2008 đến ngày 31 tháng 12 năm 2009. Kết quả: Có 24 trường hợp được chẩn đoán RCRL, tỷ lệ RCRL ở thai phụ bị RTĐ có SMĐC chiếm 21,8%, tỷ lệ RCRL ở nhóm tuổi > 35 chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều trị: Tỷ lệ phải cắt tử cung bán phần thấp, chiếm 91,67% trong đó có 2 trường hợp cắt tử cung bán phần thấp (BPT) kèm thắt động mạch hạ vị. Biến chứng tổn thương tạng ở vùng tiểu khung do RCRL chiếm tỷ lệ 85,7%, tỷ lệ phải truyền máu là 70,8% trong đó số trường hợp phải truyền trên 3 đơn vị chiếm 6%. Kết luận: Tỷ lệ phải cắt tử cung bán phần thấp chiếm 91,67% trong đó có 2 trường hợp cắt tử cung BPT kèm thắt động mạch hạ vị. Biến chứng tổn thương tạng ở vùng tiểu khung do RCRL chiếm tỷ lệ 85,7%, tỷ lệ phải truyền máu là 70,8% trong đó số trường hợp phải truyền trên 3 đơn vị chiếm 6%.
RCRL là một bệnh lý sản khoa hiếm gặp, khoảng 1/2000 - 1/7000 ca đẻ mỗi năm, nên trước đây ít được quan tâm và chẩn đoán dễ bị bỏ sót.
Tuy nhiên, tỷ lệ RCRL đã được chứng minh là tăng lên có ý nghĩa thống kê ở những sản phụ bị RTĐ và sản phụ có tiền sử mổ lấy thai. Miller DA nhận thấy rằng RCRL chiếm tỷ lệ 9,3% trong số những phụ nữ bị RTĐ. Laura M.R cũng nhận thấy rằng tỷ lệ RCRL có liên quan tới RTĐ và tăng qua các năm: năm 1952 có 0,2% RTĐ có RCRL, năm 1975 - 1977: 4,09%, năm 1985: 10,1% tại bệnh viện Phụ sản Trung ương theo Nguyễn Đức Hinh gặp RCRL ở 2,9% (1989 - 1990) và 6,4% ( 1993 - 1994) các sản phụ bị RTĐ có sẹo mổ đẻ cũ. Điều trị RCRL rất khó khăn, thường phải cắt tử cung, gây nhiều biến chứng nặng nề, nhất là đối với những phụ nữ trẻ tuổi còn nhu cầu sinh đẻ.
Ngày nay, do tỷ lệ mổ lấy thai tăng lên, đồng nghĩa với bệnh nhân bị rau tiền đạo có vết mổ đẻcũ ngày càng tăng lên, nhiều tác giả đã nghiên cứu sự liên quan giữa bệnh nhân bị RTĐ có SMĐC với RCRL [1, 3, 8]. Với sự tiến bộ vượt bậc của chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là siêu âm thì việc chẩn đoán RCRL ở thai phụ bị RTĐ có SMĐC không phải khó. Tuy nhiên, kỹ thuật mổ lấy thai ở RTĐ có SMĐC thường khó khăn hơn do dính RCRL và nguy có tai biến cho thai phụ cao. Một câu hỏi được đặt ra là các nhà sản khoa cần đưa ra cách xử trí như thế nào đối với những bệnh nhân bị RCRL để nhằm giảm những tai biến và biến chứng cho mẹ và con. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu:
- Nhận xét thái độ xử trí RCRL ở thai phụ bị RTĐ có SMĐC.
- Những tai biến thường gặp của RCRL ở thai phụ bị RTĐ có SMĐC.