Răng hàm lớn thứ nhất là răng vĩnh viễn mọc sớm trên cung hàm, ở lứa tuổi 6 - 7 tuổi, trẻ thường chưa biết cách giữ vệ sinh răng miệng tốt nên răng này hay bị sâu và biến chứng của sâu răng dẫn đến phải nhổ bỏ. Việc phục hồi răng hàm lớn mất ở bệnh nhân tuổi thanh thiếu niên bằng chỉnh nha, phục hình hay cắm ghép (implant) có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó cấy chuyển mầm răng khôn tự thân là phẫu thuật dịch chuyển các mầm răng khôn mọc kẹt, mọc ngầm hoặc đã mọc nhưng ít chức năng từ vị trí này đến vị trí khác trên cùng một bệnh nhân. Cấy chuyển mầm răng khôn thay thế các răng hàm lớn bị nhổ bỏ thường được chỉ định vì chúng tương đối phù hợp về hình thể và kích thước. Đây là một phương pháp điều trị có kết quả tốt theo một số báo cáo trên thế giới [1, 4] vì răng cấy có thể phục hồi được chức năng ăn nhai, lành thương tủy và đạt được thẩm mỹ như các răng hàm lớn khác. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhận xét kết quả bước đầu lâm sàng và hình ảnh X quang của 8 mầm răng khôn cấy chuyển tự thân trong giai đoạn đang hình thành chân răng.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên 7 bệnh nhân gồm 3 nam, 4 nữ từ 14 đến 22 tuổi (trung bình 19,8) đến khám tại Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Y Hà Nội. Trong thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 07/2011, chúng tôi đã thực hiện cấy chuyển 8 mầm răng khôn đang hình thành chân răng ở các giai đoạn khác nhau (theo phân loại của Moorrees) và theo dõi sau phẫu thuật là 3 đến 25 tháng (trung bình 12,7 tháng). Ảnh chụp trong miệng và phim cận chóp răng được sử dụng làm tài liệu đánh giá trước và sau phẫu thuật. Các trường hợp được phẫu thuật theo các bước đã định trước. Thời gian ngoài miệng của các răng cấy từ khoảng 1 phút đến 10 phút. Các răng cấy được cố định bằng nẹp dây thép composite hoặc bằng chỉ khâu. Thời gian cố định răng sau phẫu thuật trung bình là 60,7 ngày (từ 20 đến 183 ngày).
Cấy chuyển mầm răng khôn tự thân thay thế răng hàm lớn bị nhổ bỏ đã được các tác giả trên thế giới nghiên cứu với tỷ lệ thành công cao. Đề tài được thực hiện nhằm nhận xét kết quả bước đầu lâm sàng và X quang 8 trường hợp cấy chuyển mầm răng khôn tự thân. Kết quả cho thấy, từ tháng 3/2009 đến tháng 7/2011, 8 mầm răng khôn đang hình thành chân răng đã được cấy chuyển trên 7 bệnh nhân tuổi từ 14 đến 22 (trung bình 19,8) thay thế răng hàm lớn bị nhổ bỏ, với thời gian theo dõi từ 3 đến 25 tháng (trung bình 12,7 tháng) tại Viện đào tạo Răng Hàm Mặt – Trường Đại học Y Hà Nội. Kết quả trên lâm sàng, tỷ lệ tồn tại của các răng là 100%. Trên X quang, thấy 7 răng có biểu hiện lành thương tủy, trong đó có 2 răng cấy thấy hình ảnh chân răng tiếp tục phát triển, còn lại 1 răng tủy bị hoại tử sau cấy 2 tháng, không có răng nào có hiện tượng dính khớp. Từ đó có thể kết luận, mầm răng khôn được cấy chuyển tự thân thay thế các răng hàm lớn bị nhổ bỏ có thể lành thương tủy và tiếp tục phát triển như một răng bình thường.