Mới đây, tổ chức y tế thế giới (WHO) và tổ chức quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) đã nhất trí xác định tật khúc xạ chưa được chỉnh kính đã và đang là một nguyên nhân chủ yếu gây giảm thị lực. Do đó trong chương trình phòng chống mù lòa nhằm hướng tới mục tiêu “Thị giác năm 2020: quyền được nhìn thấy”, WHO đã xây dựng những chiến lược cụ thể để loại trừ căn nguyên gây mù lòa có thể phòng tránh này bằng một can thiệp đơn giản là chỉnh, cấp kính cho bệnh nhân [55].
Tại Việt Nam, tật khúc xạ học đường đang là một vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Số học sinh có nhu cầu được khám khúc xạ và điều chỉnh kính ngày một nhiều [3], [5], [9], [12], [17]. Ngoài ra, một số học sinh có triệu chứng nhìn xa không rõ, và có độ khúc xạ cận thị do sự điều tiết quá mức của thể mi (hiện tượng cận thị giả) đã phải đeo kính cận không cần thiết hoặc số kính không phù hợp [7], [8], [10], [19].
Vấn đề cần thiết là phát hiện sớm tật khúc xạ ở lứa tuổi này và có những phương pháp khám khúc xạ chính xác để tránh những trường hợp không được chỉnh khúc xạ đúng mức, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt và học tập của các em học sinh [10], [17], [21].
Ở trẻ em, lực điều tiết của mắt rất lớn [2], [7], [8], [10], [21]. Việc khám cho trẻ em không đơn giản và dễ dàng như ở người lớn vì đối tượng này có những đặc thù riêng, tâm sinh lý có thể chưa ổn định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan. Mục đích chính của khám khúc xạ là đưa ra được một công thức kính cho thị lực tốt và người đeo thấy thoải mái, dễ chịu.
Test +1 và cân bằng 2 mắt là những kỹ thuật kinh điển đơn giản, dễ thực hiện trong quá trình khám khúc xạ để chắc chắn rằng điều tiết đã được giãn khi mắt nhìn xa, từ đó giúp có được số kính chính xác [7], [10], [21]. Kỹ thuật này đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong quá trình khám khúc xạ để đảm bảo rằng điều tiết đã được kiểm soát tốt, đồng thời biết cách chỉnh lại số kính nếu một mắt hoặc cả hai mắt vẫn chưa giãn điều tiết [10], [33], [38]. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, kỹ thuật này đã được chú ý hơn và được sử dụng tại một số bệnh viện, trung tâm mắt, tuy nhiên chưa được áp dụng rộng rãi và cũng chưa có một nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của kỹ thuật này trong khám khúc xạ và chỉnh kính, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi học sinh, đối tượng điều tiết và thay đổi khúc xạ nhiều nhất.
Trước những vấn đề vừa nêu trên, chúng tôi đã thực hiện đề tài:
“Nghiên cứu hiệu quả lâm sàng của test +1 và cân bằng 2 mắt trong khám khúc xạ ở lứa tuổi học sinh”.
Với mục tiêu:
1. Đánh giá hiệu quả lâm sàng của test +1 và cân bằng hai mắt trong khám khúc xạ ở lứa tuổi học sinh.
2. Đánh giá ảnh hưởng của điều tiết trong khám khúc xạ ở lứa tuổi học sinh